Thanh toán điện tử (TTĐT) có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hóa tầm nhìn của Chính phủ và ngân hàng nhà nước Việt Nam về một xã hội không dùng tiền mặt. Tuy vậy, TTĐT tại Việt Nam vẫn còn “manh mún” và gặp nhiều rào cản. Để TTĐT trở thành xu hướng chủ yếu thì rất cần những tác động mạnh mẽ từ Chính Phủ.
Thanh toán điện tử vẫn còn yếu thế
Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), quy mô thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2015 đạt doanh số khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD. Tuy nhiên, nhìn khâu thanh toán, cho thấy, tỷ lệ sử dụng dịch vụ TTĐT đối với người mua hàng vẫn còn khá nhỏ bé. Hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ được 4% số doanh nghiệp sử dụng và chưa có xu hướng thay đổi rõ ràng. Còn với người mua hàng, 91% số người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt, 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, 20% số người tham gia thương mại điện tử sử dụng các loại thẻ thanh toán.
Mặc dù đã có sự tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây, nhưng TTĐT ở Việt Nam vẫn đang ở dạng tiềm năng, kém xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Visanet, mạng TTĐT lớn nhất thế giới hiện nay, Việt Nam có chỉ số TTĐT năm 2015 là 37%, chỉ số này tương đương với Thái-lan, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như In-đô-nê-xi-a (45%) hay Ma-lai-xi-a (47%) và thấp hơn nhiều so với các nước có chỉ số TTĐT cao ở châu Á như Xin-ga-po (55%), Trung Quốc (60%) hay Hàn Quốc (70%),… Điều đáng nói là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ TTĐT còn yếu, thói quen thanh toán tiền mặt, nhất là sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với TTĐT đang trở thành rào cản lớn cho phát triển dịch vụ TTĐT.
Điều này còn có thể thấy rõ qua việc mặc dù Việt Nam đang có một hạ tầng công nghệ TTĐT khá tốt, với sáu tổ chức không phải ngân hàng đã được cấp phép thực hiện dịch vụ: Banknetvn, VNPay, M_Service, BankPay, Vietnam Online, VietUnion, 38 ngân hàng thương mại đã tham gia phối hợp triển khai dịch vụ ví điện tử. Tổng lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường đạt xấp xỉ con số 69 triệu, trong đó, 6,25 triệu thẻ thanh toán quốc tế. Hiện, có 67 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua in-tơ-nét (Internet Banking) và 37 ngân hàng thương mại cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (Mobile Banking),… Nhưng chỉ có 16% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng thẻ thanh toán, 4% bằng ví điện tử, 2% bằng thẻ cào. Còn về phía người mua, chuyển khoản qua ngân hàng được 48% khách hàng sử dụng. Các hình thức thanh toán trực tuyến còn lại là: thẻ thanh toán (20%), ví điện tử (11%), thẻ cào (6%).
Thanh toán điện tử cần một cú huých mạnh
Theo nhìn nhận của TS Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), TTĐT với những ưu thế công nghệ vượt trội đang trở thành xu hướng thanh toán của thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ TTĐT ở Việt Nam theo kịp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới sẽ có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hướng tới việc hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ và NHNN, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.
Những điểm tựa khác cho việc phát triển dịch vụ TTĐT cũng được nhiều chuyên gia phân tích khi Việt Nam là nước tỷ lệ dân số trẻ khá cao trong tổng số dân hơn 91 triệu người với mức thu nhập được cải thiện đã dẫn tới sự thay đổi thói quen mua sắm; tỷ lệ dân số sử dụng in-tơ-nét ngày càng tăng (năm 2014 là 42%, đã tăng lên 45% vào 2015); tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao và tiếp tục tăng (năm 2014 là 55%, năm 2015 là 59%)…
Nghiên cứu từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái-lan và trên cơ sở thực tiễn phát triển của thương mại điện tử và TTĐT ở Việt Nam, nhiều chuyên gia khuyến nghị: Cần nhận thức rõ vai trò quan trọng, quyết định của Chính phủ đối với phát triển dịch vụ TTĐT của một quốc gia. Không chỉ là đề ra chủ trương, đường lối, chính sách và pháp lý, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ TTĐT, Chính phủ cũng là cơ quan tiên phong áp dụng TTĐT trong các giao dịch của Chính phủ… “Kinh nghiệm của Hàn Quốc – quốc gia có dịch vụ TTĐT phát triển nhất châu Á cho thấy một trong những nhân tố dẫn tới thành công là nhờ Chính phủ đi đầu, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và áp dụng TTĐT trong các giao dịch của chính mình. Vì vậy, Chính phủ và NHNN cần tiếp tục nỗ lực thực hiện tầm nhìn hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt, đẩy mạnh TTĐT trong mua sắm của Chính phủ và cung cấp dịch vụ công,…” – TS Nguyễn Thị Nhiễu cho biết.
Giám đốc Trung tâm Thanh toán, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Đồng Thị Quỳnh Lê cũng đề xuất: Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần ban hành các chính sách đồng bộ để chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại một số lĩnh vực như chuyển lương, mua sắm thanh toán hàng hóa có giá trị lớn tại một số đơn vị, sử dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt, cần ban hành chính sách bắt buộc lắp đặt các thiết bị thanh toán thẻ và chấp nhận thanh toán thẻ đối với các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở một số lĩnh vực ngành nghề nhất định như giao thông, du lịch, thương mại, kinh doanh bán lẻ, nhà hàng, khách sạn,… Ngoài ra, từ thực tế nghiệp vụ, giám đốc Đồng Thị Quỳnh Lê cũng đề xuất Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chủ thẻ sử dụng thẻ và các đơn vị kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán thẻ như chính sách ưu đãi rõ rệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với doanh số bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng thẻ qua POS, thanh toán qua ngân hàng để khuyến khích các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ tích cực chấp nhận thanh toán bằng thẻ, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ…
Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách cho phát triển TTĐT. “Trong đó, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của NHNN đối với hệ thống ngân hàng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người dân và giới doanh nghiệp vào hệ thống TTĐT nói riêng, hệ thống thanh toán quốc gia nói chung”, thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thương mại) nhìn nhận. Theo đó, NHNN cần tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra trong “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2015”, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan TTĐT, một khâu rất quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử.
Cũng xuất phát từ thực tế TTĐT là phương thức thanh toán cho mọi hàng hóa và dịch vụ được mua bán qua in-tơ-nét, liên quan mạng lưới khách hàng trên phạm vi toàn cầu, TS Nguyễn Thị Nhiễu khuyến nghị thêm, Chính phủ cần tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ TTĐT trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành. Cùng với đó, cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho TTĐT. Tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng cho mạng lưới chấp nhận thẻ, đẩy mạnh kết nối liên thông mạng lưới POS trên toàn quốc, hoàn thành xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thẻ chip chuẩn, kết nối không dây và công nghệ mã phản hồi nhanh cho thanh toán trực tuyến…
Mặt khác, cùng với việc tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin TTĐT, yếu tố không thể thiếu là đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để TTĐT trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ TTĐT.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện nghiên cứu Thương mại – Bộ Công Thương cho rằng “Để kích thích đầu tư vào thị trường dịch vụ TTĐT, Chính phủ cần hoàn thiện và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập, hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển đối với các doanh nghiệp thương mại, thiết lập mô hình tổ chức và áp dụng phương thức kinh doanh thương mại điện tử hiện đại, công nghệ quản lý tiên tiến. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành công nghệ thẻ ngân hàng, cùng các văn bản chỉ đạo thực hiện từ cấp Trung ương đến địa phương, qua đó khuyến khích và đẩy mạnh phát triển hình thức thanh toán trực tuyến này.”
Tham khảo thêm: Điều kiện và thủ tục phát hành hóa đơn điện tử doanh nghiệp nên biết
Xem thêm: Hóa đơn điện tử xác thực
Để lại một phản hồi